Chẩn đoán Sởi

  1. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ (tiếp xúc nguồn lây) và biểu hiện lâm sàng với những dấu hiệu và triệu chứng miêu tả ở trên. trong đó việc phát hiện nội ban và ngoại ban tuần tự có ý nghĩa quyết định. Xét nghiệm cận lâm sàng chỉ có ý nghĩa nghiên cứu hơn là phục vụ cho công tác điều trị.
  2. Trong giai đoạn tiền triệu, có thể phát hiện các tế bào khổng ồ đa nhân từ bệnh phẩm ngoáy mũi họng.
  3. Công thức máu có thể cho thấy giảm tế bào đa nhân trung tính và tăng tương đối tế bào lympho. Khi bội nhiễm vi khuẩn gây viêm tai giữa hay viêm phổi thì tế bào đa nhân trung tính có thể tăng cao. Đây cũng là dấu hiệu có ích trong phát hiện biến chứng bội nhiễm.
  4. Dịch não tủy chỉ thực hiện khi trẻ có biểu hiện tổn thương thần kinh. Trong trường hợp này, protein tăng cao, tế bào ít tăng và chủ yếu là các tế bào lympho, glucose dịch não tủy bình thường.
  5. Kháng thể có thể phát hiện được khi xuất hiện ban trên lâm sàng. Kháng thể IgM cho biết tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Kháng thể IgG cho biết bệnh nhân đã được miễn dịch do tiêm chủng hay mắc bệnh trước đó. IgG cũng là kháng thể duy nhất mẹ truyền cho con qua nhau thai và có tác dụng bảo vệ trẻ trong khoảng 4 đến 6 tháng đầu đời.
  6. Phân lập virus bằng cách cấy trên tế bào phôi người hoặc tế bào thận khỉ. Những thay đổi bệnh lý tế bào thường xảy ra trong khoảng 5-10 ngày với sự xuất hiện các tế bào khổng lồ đa nhân cùng với các hạt vùi trong nhân tế bào.

Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với:

  1. Sởi Đức (rubella): Ban ít hơn sởi, sốt cũng nhẹ nhàng hơn.thường có hạch sau tai
  2. Đào ban ấu nhi (roseola infantum) do HHV 6: thường gặp ở trẻ nhũ nhi. Ban có hình dạng giống ban sởi nhưng thường xuất hiện khi sốt giảm đột ngột và thường xuất hiện đầu tiên ở bụng. Kết mạc mắt không viêm còn trong sởi kết mạc viêm đỏ gây nên biểu hiện mắt kèm nhèm trên lâm sàng.
  3. Nhiễm virus như echovirus, Coxackievirus và adenovirus: ban cũng không đặc trưng như ban sởi.
  4. Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng do Epstein Barr virus: ban ít hơn nhưng cũng có thể xuất hiện dày lên khi dùng thuốc ampicilline. Bệnh thường kèm theo viêm họng đôi khi có mủ, sưng hạch cổ, gan lách to...
  5. Toxopalasmosis.
  6. Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu: bệnh thường nặng nề với bối cảnh sốc trụy mạch, ban lan nhanh và không theo tuần tự, ban thường có hình sao, xuất huyết màu tím thẫm (tử ban).
  7. Sốt tinh hồng nhiệt.
  8. Các bệnh do rickettsia.
  9. Bệnh Kawasaki.
  10. Nổi ban do dị ứng thuốc: tiền sử dùng thuốc.
  11. Các bệnh huyết thanh.
  12. Sốt xuất huyết: Sốt cao 39 đến 40 độ C. Tuy nhiên ở Sởi khi sốt, phát ban còn có triệu chứng ho, đau họng... Còn sốt xuất huyết thì không. Sốt xuất huyết thường gây biến chứng nặng sau 4 đến 5 ngày nếu không được chữa trị kịp thời

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sởi http://www.britannica.com/EBchecked/topic/371661 http://www.diseasesdatabase.com/ddb7890.htm http://www.elespectador.com/noticias/salud/colombi... http://www.eltiempo.com/vida-de-hoy/salud/colombia... http://www.emedicine.com/derm/topic259.htm http://www.emedicine.com/ped/topic1388.htm http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=055 http://www.merckmanuals.com/professional/pediatric... http://www.skinsight.com/child/rubeolaMeasles.htm http://www.thanhniennews.com/health/vietnam-minist...